A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quảng Bình: Lũ lịch sử trở lại, gần 20.000 hộ dân chìm trong nước

Trận mưa lớn kỷ lục có nơi lên trên 800mm đã nhấn chìm 4 huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy trong biển nước. Gần 20.000 hộ dân bị ngập, 251 tàu cá còn lênh đênh trên biển, Quảng Bình đang đối diện với trận lũ lịch sử. Cơn mưa lớn kinh hoàng tiếp tục xối nước xuống...
Trận mưa lớn kỷ lục có nơi lên trên 800mm đã nhấn chìm 4 huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy trong biển nước. Gần 20.000 hộ dân bị ngập, 251 tàu cá còn lênh đênh trên biển, Quảng Bình đang đối diện với trận lũ lịch sử.
Cơn mưa lớn kinh hoàng tiếp tục xối nước xuống Quảng Bình, lượng mưa nơi cao nhất đo được là 810 mm. Nước thượng nguồn đổ về nhiều cộng với mưa lớn ở hạ lưu các sông Kiến Giang, Gianh lên nhanh trông thấy, đều vượt xa mức báo động 3.
 
Các cồn nổi giữa sông Gianh, nơi có hàng vạn người dân sinh sống đang dần bị lũ "nuốt chửng".

Đến chiều 4/10, mưa có dấu hiệu chững lại ở vùng Tuyên Hóa, Quảng Trạch nhưng cuối ngày, trận mưa lớn tiếp tục trở lại khiến người dân vùng ven sông Gianh đối mặt với hiểm nguy lớn trong đêm 4/10.

Lúc 20 giờ, ông Đậu Minh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết: “Hiện nước sông Gianh đang lên cao, 9 xã vùng nam Quảng Trạch chia cắt hoàn toàn. Trong đêm việc cứu hộ gần như thể, huyện chỉ biết chỉ đạo các xã đưa thuyền bè đến các điểm xung yếu sẵn sàng cứu dân, và chủ động mở cửa tầng 2 các trường học, UBND xã để di chuyển dân đặc biệt là người già, trẻ em”.
 
Ông Mai Công Danh - Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa sau trọn ngày lăn lộn trên sông Gianh cũng thông báo: “Nước thượng nguồn dâng trở lại, hàng nghìn hộ dân đang bị đe dọa thực sự. Chưa bao giờ Tuyên Hóa ngậ nhiều đến thế. Huyện đang làm những gì tốt nhất có thể để cứu dân qua cơn lũ lịch sử này”.
 
Tính đến cuối ngày 4/10, đã có gần 20.000 hộ dân bị ngập trong lũ, trong đó có hàng nghìn hộ nước ngập tới nóc. Trong toàn tỉnh đã có 3 người chết vì lũ cuốn trôi, trong đó có trường hợp thi hài hiện chưa mai táng được phải di chuyển lên tầng 2 của trường học để bảo quản.
 
Gần 20.000 hộ dân đang đối mặt với trận lũ lịch sử trên sông Gianh.
 
Tại rốn lũ Tuyên Hóa - Quảng Trạch, tỉnh đã lập trạm chỉ huy tiền phương đặt tại xã Cảnh Hóa và cắt cử lực lượng Công an, Bộ đội gồm 250 cán bộ chiến sỹ cùng canô cao tốc và phương tiện cứu hộ đến hiện trường từ đêm 3/10 để sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi vùng ngập nặng.
 
Tại các vùng ngập lụt, điện đã được cắt để đảm bảo an toàn, học sinh cũng được nghỉ học vì nhiều trường và đường sá ngập sâu.
 
Các hộ dân có nhà 2 tầng mới tạm yên tâm về lũ.
 
Ngày 4/10, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã lập 3 đoàn kiểm tra, chỉ đạo PCLB tới các “điểm nóng” Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch, Lệ Thủy và tuyến biển. Đoàn công tác phía nam của BCH PCLB tỉnh đã gặp tai nạn giao thông trên đường, khiến một  xe bị lật, ông Đinh Phú Bình - Phó Giám đốc sở Tài chính bị ngã gãy tay.
 
Đáng lo ngại, trong số gần 4.200 tàu cá toàn tỉnh hiện vẫn còn 251 tàu với gần 1.800 ngư dân chưa về được đất liền, nhiều tàu mất liên lạc.
 
Trong ngày, đã có 8 tàu gặp nạn. Hiện công tác cứu hộ đang gặp khó khăn: trong số 11 thuyền viên tàu BĐ 94189 bị đánh chìm ở cửa biển Nhật Lệ, có một thuyền viên bị sóng đánh trôi dạt ra gần phao số 0 nhưng các lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể ứng cứu do sóng, gió quá lớn.
 
Cũng đến cuối chiều, tổng cộng 16 thuyền viên tàu cá QB 93481 (ở xã Quảng Phú) và xà lan của công ty TNHH Kim Sơn bị nạn vẫn chưa rõ sống chết, các lực lượng cứu hộ đang tìm cách tiếp cận các con tàu nói trên.
 
Do các tuyến đường huyết mạch đều bị chia cắt hoàn toàn, công tác kiểm tra thực tế lũ lụt gặp trở ngại. Với diễn biến thời tiết hiện nay, trong ngày 5/10 tình hình khó khả quan hơn.
 
Một số hình ảnh từ "rốn lũ" Tuyên Hóa - Quảng Trạch do PV Dân trí ghi lại chiều 4/10:
 
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình kiểm tra tình hình lũ lụt tại trạm chỉ huy tiền hương Cảnh Hóa.
 
Nước đã vượt xa mức báo động 3 nhưng mưa vẫn xối xả.
 
 Nhà ngập đến nóc, gia đình này đành chuyển lên thuyền tránh lũ.
 
 Hình ảnh thường thấy ở các hộ dân ven sông Gianh.
 
 Tàu hàng mắc kẹt tại ga Minh Lệ.
 
"Chiến lợi phẩm" từ lũ do một em bé vớt lên từ lòng sông.
 
Vớt củi, một thói quen nguy hiểm của người dân vùng lũ.

(Theo Hồng Kỹ)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết